Đe dọa do ngộ độc diclofenac Kền_kền

Quần thể kền kền tại Ấn Độ đã suy giảm tới 95% trong giai đoạn gần đây và 2 hoặc 3 loài kền kền Nam Á đang cận kề với sự tuyệt chủng. Nguyên nhân là do việc sử dụng loại thuốc chống viêm nhiễm không chứa steroit (NSAID) diclofenac cho các gia súc, với tác dụng làm lành vết thương. Diclofenac cho phép các động vật ốm yếu này làm việc lâu hơn trên ruộng đồng. Tuy nhiên, diclofenac tích lũy trong cơ thể động vật và khi con vật bị chết thì trong xác của chúng vẫn còn diclofenac. Những người nông dân bỏ lại xác con vật trên đồng với ý đồ nhờ kền kền thu dọn. Diclofenac có trong xác chết sẽ được kền kền hấp thụ, nhưng rất không may là chúng lại rất mẫn cảm với diclofenac và chịu các tổn thương về thận và kết quả là bị chết do ngộ độc diclofenac.

Sự suy giảm số lượng kền kền đã gây ra các vấn đề vệ sinh chung tại Ấn Độ do các xác chết của động vật có xu hướng bị thối rữa, hay bị chuột hoặc chó hoang ăn vào. Ngoài ra, nó còn là vấn đề đối với một số cộng đồng dân cư nhất định, chẳng hạn người Parsi, là bộ tộc có tập quán thiên táng với xác người chết được đặt trên đỉnh dakhma (tháp im lặng) để cho kền kền ăn và làm sạch thi thể, chỉ để lại bộ xương khô.

Meloxicam – một loại thuốc NSAID tương tự như diclofenac – nhưng lại không gây hại cho kền kền có thể là giải pháp thay thế tốt hơn. Chính quyền Ấn Độ đã cấm diclofenac, nhưng nó vẫn còn được buôn bán trong vài năm tới nữa.